1. Tổng hợp market chúc mừng năm mới 2023 file corel: Tại đây
    Dismiss Notice

4 NĂM ĐẠI HỌC – LÀ 4 NĂM TỐN TIỀN, PHÍ THỜI GIAN?

Thảo luận trong 'Kinh nghiệm' bắt đầu bởi Trần Văn Cường, 26/8/18.

  1. Trần Văn Cường

    Trần Văn Cường Administrator Thành viên BQT Graphic Designer

    Tham gia ngày:
    26/7/18
    Bài viết:
    4,308
    Đã được thích:
    30
    Điểm thành tích:
    48
    Giới tính:
    Nam
    Nghề nghiệp:
    Thợ QC
    Nơi ở:
    Quảng Ninh
    Web:

    #1 Trần Văn Cường, 26/8/18
    Chỉnh sửa cuối: 21/4/19
    Đầu tiên, nếu bạn không đủ kiên nhẫn đọc hết bài này, bạn chắc chắn sẽ vào nhóm thất nghiệp.

    [​IMG]
    Một tuần đầu háo hức ở giảng đường đại học đã qua đối với tân sinh viên. Một tuần trong 4 năm là quá ngắn, nhưng nếu cứ coi một tuần là ngắn suốt tuần này sang tuần khác, 4 năm sẽ vô ích. Nhìn những gương mặt ngây thơ, rụt rè, rồi lại cắm mặt vào điện thoại xem phim, chơi games ngay trong buổi gặp mặt đầu tiên với lãnh đạo khoa và các thầy, cô; họ thờ ơ khi các anh/chị sinh viên năm 3,4 đang cố gắng tổ chức các hoạt động cho họ. Trái lại, một số ít sinh viên mới rất năng nổ, rất tự tin và dám khẳng định mình trước tập thể đó.

    Tôi chợt nhớ về hàng trăm bạn tân cử nhân tôi đã gặp trong công việc của mình. Những bạn trẻ mất phương hướng về nghề nghiệp mình đã chọn. Những bạn trẻ sau tốt nghiệp đại học xong, ngơ ngác không biết mình sẽ làm gì. Những bạn trẻ đi làm 3, 4 năm vẫn đang loay hoay tìm hướng. Những con số thất nghiệp hàng trăm nghìn nhảy múa. Và một hình ảnh khác đối lập, là lời than thở của anh CEO, là lời trách móc của chị Giám đốc nhân sự khi tuyển mãi mà không tuyển nổi nhân viên. 100 hồ sơ gửi đến mà sơ lọc, phỏng vấn không được 1 người phù hợp.

    Tôi lại nghĩ đến những văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ở Hà Nội, Tp.HCM mà tôi tập huấn cho họ. Họ trao đổi bằng hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Việt. Họ bàn việc hàng tuần qua hội nghị vùng châu Á, Âu trực tuyến. Họ thuyết trình trước hàng trăm khách hàng, hàng tháng. Họ đạt KPI phức tạp chuẩn toàn cầu. Tất cả họ đều rất trẻ. Lương tối thiểu 2.000 đô la Mỹ.

    Tôi cũng nhớ đến những bạn Trưởng phòng, Giám đốc khối, Phó tổng giám đốc mà tôi có dịp trao đổi trong các chương trình đánh giá năng lực. Những bạn trẻ có bước nhảy vọt về nấc thang nghề nghiệp chỉ sau 2,3 năm đi làm. Đâu là điểm chung của các bạn trẻ này? Đâu là điểm khác biệt của họ so với nhóm cùng trang lứa? Điều gì quyết định đến năng lực thực thi công việc, chất lượng phát triển của mỗi người sau khi tốt nghiệp đại học?

    #Một Học thật chắc chắn các kiến thức nền tảng trong trường đại học
    Đừng nghe ai đó nói các kiến thức trường đại học là không dùng đến trong thực tế. Những bạn trẻ nhóm 2 tôi nói ở trên, là những người có kiến thức nền tảng rất chắc chắn. Các em hãy hình dung: khi các em viết 1 đề án, 1 dự án trong công việc thì “sở cứ” của các đề xuất chính là các kiến thức nền tảng. Mình hiểu rõ, hiểu sâu thì lập luận mình chắc chắn, dễ thuyết phục sếp, đồng cấp. Vì hiểu sâu và chắc chắn nên giải pháp mình đưa ra cũng được tính toán kỹ càng, xác suất thành công cao. Vì chắc chắn nên khi thực thi sẽ tự tin, tốc độ nhanh hơn người khác.
    Học lơ mơ. Đến lúc ra đi làm sếp nói đến Ebitda trong tài chính, 7Ps trong Marketing, 7S trong quản trị doanh nghiệp thì mắt chữ O, mồm chữ A. Có biết đâu trong giáo trình ở trường có hết cả.

    #Hai Hãy tham gia các CLB chuyên môn ở trường ngay từ năm 1
    Trong trường các em học, sẽ có rất nhiều CLB sinh viên: Tài chính, chứng khoán, marketing, nhà doanh nghiệp tương lai, nhân sự …. Nhiều lợi ích to lớn khi các em tham gia CLB:
    - Được rèn năng lực tương tác với người khác: Các em sẽ phải làm việc theo team. Có ý tưởng phải tìm cách thuyết phục các thành viên khác. Gặp thành viên có ý kiến bất đồng phải tìm cách nói chuyện và hóa giải. Rèn luyện cách chung sống, làm việc trong 1 đội nhóm có quan điểm khác nhau. Sau này đến khi đi làm, các em sẽ nhận ra đây là một trong các năng lực cực kỳ quan trọng để làm việc thành công.
    - Được rèn khả năng thuyết trình: Các em sẽ phải làm slide, phải thuyết trình trước CLB, phải thuyết trình trước nhà tài trợ, phải thuyết trình trước thầy cô, trước đoàn trường. Hàng chục lần như thế.
    - Được rèn khả năng lập kế hoạch: Lên kế hoạch cho 1 event. Lên kế hoạch cho 1 sự kiện. Rồi tổ chức thực thi kế hoạch đó. Bị lỗi lần 1, lần 2. Rồi tiến bộ dần dần qua các lần. Đến lúc đi làm thì đã thành thần trong khả năng lập kế hoạch rồi, trong khi bạn khác thì còn loay hoay chưa hiểu lập kế hoạch là gì.
    - Được rèn khả năng Lãnh đạo. Các em sẽ được lead 1 nhóm, lead 1 ban chuyên môn, lead 1 tổ, đội. Các em sẽ được trải nghiệm khả năng, học qua thất bại khi thấy dẫn dắt 1 nhóm khó khăn đến thế nào.
    Còn nhiều thứ được nữa khi các em tham gia vào các CLB. Chỉ bật mí một điều, nhiều bạn trẻ thành công trong nhóm 2 kia, trong hồ sơ của họ có điểm chung là cựu lãnh đạo của các CLB sinh viên.

    #Ba. Mở rộng kiến thức xã hội, kinh tế
    Kiến thức ở khắp nơi. Ví dụ các em hãy xem kênh TED trên youtube là cả biển trời kiến thức các lĩnh vực trong đó, dưới lối chia sẻ thông minh, dí dỏm, dễ vào của các diễn giả. Kiến thức kinh tế xã hội dày hơn khiến các em hiểu rõ bản chất của các sự kiện, lý giải được hiện tượng diễn ra xung quanh mình. Đồng thời sẽ là phẩn bổ trợ rất quan trọng khi các em thực thi công việc sau này. Trở thành một lợi thế cạnh tranh của các em so với những bạn khác.

    #Bốn. Đọc các web, blog, facebook chuyên ngành.
    Kết nối, follows với blog, FB và các kênh khác của những người thành công trong lĩnh vực của mình, những nhà lãnh đạo, những giám đốc Nhân sự, Marketing, Tài chính… của các Tập đoàn lớn. Mỗi bài viết của họ là chắt chiu từ bao trải nghiệm, từ bao đau thương của hàng chục năm chinh chiến. 4 năm mà học liên tục trên các kênh này thì khối lượng tu luyện rất khổng lồ đấy.

    #Năm. Rèn thái độ,
    Năng lực của một người gồm 3 yếu tố : Kiến thức – Kỹ năng – Thái độ. Từ góc nhìn các nhà tuyển dụng, điểm yếu nhất của nhân lực Việt Nam là thái độ. Ỷ lại, đùn đẩy, thụ động, vô trách nhiệm là các từ hay được nhắc đến. Mình tránh mấy thứ đó là tự nhiên đã ngon hơn khối bạn khác. Để tránh được thì phải rèn ngay từ khi còn sinh viên. Chủ động, trách nhiệm, tích cực, có kỷ luật là các từ khóa phải ghi vào sổ. Xung phong làm trưởng nhóm bài tập. Nhận nhiệm vụ sắp xếp ghế trong hội trường. Chủ động đề nghị được giúp cô chủ nhiệm đi photo tài liệu giảng cho cả lớp. Tất cả những việc tương tự thế là cơ hội để rèn thái độ.

    #Sáu. Chọn bạn mà chơi
    Bạn cùng lớp. Bạn cùng xóm trọ. Bạn cùng giảng đường. Bạn khu ký túc xá… Rất nhiều kiểu bạn mới sẽ xuất hiện khi các em vào đại học. Các em nhớ câu thần chú: “mỗi người là trung bình cộng của 5 người hay tương tác nhất”. Thế nên chọn bạn mà chơi. “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chơi với đứa tiêu cực. hở tí là post tâm trạng buồn trên FB, suốt ngày ngồi chơi games, suốt ngày xem phim bộ Hàn Quốc, thì rồi mình cũng tiêu cực theo luôn. Chơi với đứa say mê học hỏi, đọc sách gì hay cũng kể, tham gia hội thảo hay cũng kể thì tự nhiên mình cũng bị lây thôi.
    Nhiều cộng sự thân thiết của các ông chủ Tập đoàn lớn là bạn thân hồi đại học. Thế nên chọn đứa nào nhìn chín chắn, thông minh, tích cực, hoạt bát thì lân la mà chơi cùng. Sau này dễ mà bị kêu về làm Phó chủ tịch Tập đoàn lắm.

    #Bảy. Trang bị kỹ năng
    Có kiến thức, có thái độ tốt, kỹ năng chiếm 25% thành công của những người có việc làm ổn định với mức lương 2 con số trở lên. Tập nói một câu gãy gọn, nói về một chủ đề nào đó trong khoảng 5 phút. Luyện kỹ năng máy tính-đánh máy nhanh, tính toán, vẽ biểu đồ giỏi, biết soạn bài thuyết trình hấp dẫn. Sau này đi làm, đôi khi bạn chỉ có vài tiếng để hoàn thành một việc quan trọng được giao. Đọc thật nhanh, soạn thật nhanh, tính toán thật nhanh là vì thế. Học cả ngoại ngữ nữa, môi trường làm việc bây giờ là phải tự lực, qua rồi cái thời kè kè thư ký, người hỗ trợ ngôn ngữ, thời này mà không thạo ngôn ngữ quốc tế thì bạn đã tự loại bỏ nhiều kiến thức, sở thích, đam mê, kỹ năng, cơ hội rồi. Tập kỹ năng tư duy nữa, bạn nên đặt câu hỏi, càng nhiều câu hỏi càng tốt, và tự tìm câu trả lời. Thử nghĩ đến mối liên quan của các hiện tượng xã hội, các mối liên quan đó ảnh hưởng gì đến hiện tượng. Đơn giản tự hỏi mình: tại sao lại xem phim dài tập Hàn Quốc, xem nhiều thì sao, hậu quả/kết quả là gì? Nên làm gì tiếp theo?

    #Tám, Cân nhắc kỹ việc làm thêm.
    Nhiều bạn cứ nghĩ đi làm thêm là học tập, là trau dồi kinh nghiệm. Số bạn có được kinh nghiệm từ làm thêm liên quan đến nghề nghiệp sau này là rất ít. Hầu hết các bạn làm việc đơn giản như bán hàng, phục vụ nhà hàng, vận chuyển,… Nếu bạn làm tốt 7 việc ở trên, các bạn học được nhiều hơn đi làm thêm rất nhiều. Có bạn phải đi làm mới có tiền trang trải đại học, đành phải vậy, và chắc chắn, bạn sẽ không có thời gian làm tốt các việc khác, đặc biệt là việc học. Nhớ rằng, tiền lẻ bạn kiếm được trong suốt thời gian là sinh viên, có lẽ chỉ bằng 1 vài tháng lương nếu bạn là người có năng lực. Nguyên tổng thống Mỹ Obama nói rằng, hãy làm đúng việc, đúng thời điểm, đúng địa điểm, thế là thành công rồi. 4 năm đi học, học nghiêm túc, hiệu quả, còn hơn là học cả đời người vẫn chưa xong cái cơ bản cần học.

    #Chín. Quan sát lắng nghe người khác, nhưng tự bạn phải tìm ra câu trả lời
    Chấm dứt ngay cụm từ “em tưởng”, “con tưởng”, “tao tưởng”. Nếu không chắc chắn điều gì, thì tìm đến gốc rễ thông tin, gốc rễ vấn đề. Phải có trách nhiệm với mình, đừng “nghe nói” mà có khi lại hại mình đấy. Một bạn lười học, ham chơi, sẽ nói với bạn chơi cho thoả bốn năm đại học xa nhà. Đứa lười học sẽ thuyết phục bạn không nên học, hoặc không nên chọn khoá học mà bạn đã định chọn. Đơn giản vì nó muốn bạn giống nó, để nó có người lười đồng hành. Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng có một vị trí công việc tốt, họ chỉ chọn người giỏi nhất, cả trăm người làng nhàng như nhau sẽ chẳng ai có được vị trí đó cả. Bạn muốn là người được chọn, hay muốn giống với cả trăm người còn lại? Vậy, bạn phải học tập, rèn luyện theo cách của mình, theo hoàn cảnh, theo mục tiêu của mình, đừng nhìn vào người khác. Đừng “tưởng” mình cũng như họ. Mình phải hơn họ, đó là thứ bạn nên làm.

    Thôi, chúc các bạn có 4 năm đại học không phí tiền của. Đại học là nơi trang kiến thức nền tảng và phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề. Nếu chỉ dừng lại ở các môn học ở trường đại học, mà không từ kiến thức nền tảng đó để phát triển các yếu tố khác, bạn sẽ khó thành công dù là thủ khoa đại học.
    Tỉnh táo và trở nên có ích nhé!

    Doan Le sưu tầm và biên soạn.
     

    Bình Luận Bằng Facebook